Trong các trường học lấy cảm hứng từ Reggio Emilia, luôn có 3 người thầy lớn cùng tồn tại và đóng vai trò vô cùng quan trọng tới quá trình học tập của đứa trẻ.
• Cha mẹ – nhà giáo dục thứ nhất – NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN
• Giáo viên và những người bạn học – nhà giáo dục thứ 2 – NGƯỜI THẦY THỨ HAI
• Môi trường học tập – nhà giáo dục thứ 3 – NGƯỜI THẦY THỨ BA
NGƯỜI THẦY THỨ BA
Môi trường học tập hoàn chỉnh theo hệ thống Reggio Emilia đem đến cho trẻ cơ hội trải nghiệm tuyệt vời và cung cấp những nguyên liệu để phát triển ý tưởng sáng tạo vô tận cho trẻ.

Môi trường học đóng vai trò mời gọi đứa trẻ đến và tham gia vào các hoạt động. Trường học chính là nơi mà những “bài học” của các con được trình bày cụ thể bằng hình ảnh bởi chính thầy cô và cha mẹ các em. Nó truyền tải cho các em rất nhiều thông điệp mà quan trọng nhất là người lớn phải nắm bắt được việc học có chất lượng và tính hướng dẫn mạnh mẽ thế nào đến trẻ qua việc trẻ tương tác với không gian xung quanh. Nhà trường phải là nơi tạo ra và thể hiện lại như một “bảo tàng” kinh ngiệm đầy hứng khởi cho trẻ.

Việc học tập của trẻ được thực hiện thông qua việc khám phá, thử nghiệm và vận dụng các vật liệu… vì thế một lớp học nên chứa nhiều loại vật liệu có thể được khám phá và kết hợp theo nhiều cách khác nhau. Cách bày trí không gian, bày trí nguyên vật liệu cho trẻ khám phá sẽ làm cho trẻ thỏa sức sáng tạo, sự tập trung, mỗi ngày qua đi đều là những bài học kinh nghiệm đối với trẻ.
Hầu hết các trường học Reggio Emilia lý tưởng đều có một “xưởng nghệ thuật” nơi đó đầy ắp các vật liệu như: đất sét, màu vẽ, dụng cụ viết và thiết kế. Trẻ em sử dụng các vật liệu trong “xưởng nghệ thuật” để thể hiện những suy nghĩ và hiểu biết của trẻ về những gì trẻ suy nghĩ hay đã học được trong các dự án.

Các phòng học luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên và có một không gian chung ở chính giữa cho tất cả các học sinh. Nhà bếp cũng được mở để trẻ có thể tự do quan sát. Các phòng học được thông với nhau, các cửa sổ và cửa ra vào được làm bằng kính trong suốt để đảm bảo trẻ có thể quan sát và tương tác với toàn bộ không gian trong trường. Các lối ra vào luôn gây sự chú ý cho cả trẻ em và người lớn thông qua việc sử dụng các gương và hình ảnh (trên các bức tường, sàn nhà và trần nhà). Nội thất phòng học được bài trí như một nơi trưng bày các sản phẩm dự án và vật liệu học tập.
Màu sắc, ánh sáng, gương, bóng, vật liệu tái chế và vật liệu thiên nhiên bao gồm cả cây cối được sử dụng để tạo ra một môi trường đầy cơ hội khám phá. Việc bố trí các không gian thực tế, chào đón bất cứ ai bước vào trường. Từ đó thúc đẩy các cuộc gặp gỡ, giao tiếp và nâng cao các mối quan hệ giữa trẻ và nhà trường, nhà trường và gia đình, gia đình và xã hội…
